Theo thông tin Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố hôm nay 29.4, trong tháng 4, CPI tăng 0,07% so với tháng trước. So với tháng 12.2023, CPI tháng 4 tăng 1,19% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,4%.

Bình quân 4 tháng đầu năm, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,81%.

Các yếu tố làm tăng CPI 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước được Tổng cục Thống kê đề cập trước hết là chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,54% tác động làm CPI tăng 1,04 điểm phần trăm. Lý do, giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

4 tháng đầu năm, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,74% làm CPI chung tăng 0,36 điểm phần trăm

Cạnh đó, chỉ số giá nhóm giáo dục 4 tháng đầu năm tăng 8,84% do trong năm học 2023 - 2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,55 điểm phần trăm.

Ngoài ra, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,74% cũng làm CPI chung tăng 0,36 điểm phần trăm (do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17.11.2023).

Tổng cục Thống kê cũng đề cập tới khía cạnh 4 tháng đầu năm, chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,5%, góp phần làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.

Tổng cục Thống kê thông tin thêm, lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,79% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 4 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,93%). Điều này chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu và giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Xuất siêu 8,4 tỉ USD

Số liệu cũng được Tổng cục Thống kê công bố hôm nay là trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,20 tỉ USD, giảm 5,2% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 15%, nhập khẩu tăng 15,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỉ USD).

4 tháng qua, xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến ước đạt 108,27 tỉ USD, chiếm 87,5% tổng trị giá xuất khẩu cả nước. Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam vẫn chủ yếu nhập nhóm hàng tư liệu sản xuất với trị giá ước đạt 108,33 tỉ USD, chiếm 94%.

Như thường lệ, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng với kim ngạch ước đạt 34,1 tỉ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 41,6 tỉ USD.

Trao đổi với Thanh Niên, phân tích những khía cạnh giúp Việt Nam duy trì đà xuất siêu, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng, năm nay dù kinh tế thế giới còn khó khăn nhưng cũng có một số tín hiệu tích cực hơn. Đặc biệt là việc các ngân hàng T.Ư của các nền kinh tế lớn trên thế giới ngừng tăng lãi suất, thậm chí đang tính tới chuyện giảm lãi suất…

"Đáng chú ý, sau thời gian dài giảm hoặc không nhập khẩu, tồn kho tại nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu sụt giảm mạnh, họ phải nhập khẩu trở lại để bù đắp", ông Phương nói.

Ở trong nước, các doanh nghiệp cơ bản đều nhanh chóng đón bắt được cơ hội khi đơn hàng tăng lên. Điều này là nhờ các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị tương đối sẵn sàng trước đó như vật tư, nguyên vật liệu; chú trọng giữ chân người lao động bằng nhiều giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn…

Theo vị chuyên gia, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các vấn đề liên quan địa chính trị. Điều đó có nghĩa là còn rất nhiều yếu tố bất ngờ có thể xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Nhấn mạnh không nên quá lạc quan, song ông Phương khẳng định hoàn toàn có thể hy vọng xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng dương (năm ngoái tăng trưởng âm). Mục tiêu Bộ Công thương đặt ra cho tăng trưởng xuất khẩu năm nay ở mức 6% là khá khả thi.